ĐẠI DIỆN THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM MÁY LỌC NƯỚC HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI
Trang chủ  » Tin tức»Nước giếng khoan ở Hà Nội: Những mẫu thử kinh hoàng

Nước giếng khoan ở Hà Nội: Những mẫu thử kinh hoàng
Các mẫu nước thử ở quận Hoàng Mai, Định Công hay huyện Từ Liêm (Hà Nội) đều cho kết quả nhiễm nặng asen và amoni, có khả năng gây ung thư cao, thậm chí làm rối loạn gene và sinh tổng hợp ADN...


Hàng nghìn người dân dùng nước nhiễm Amoni    

Sáng 12/3, tại gia đình bà Nguyễn Thị Huyền (số 4, hẻm 112/15/20, phố Định Công, quận Hoàng Mai), Tiến sĩ Trần Văn Nhị trực tiếp lấy mẫu nước ở bể chứa nước ăn, sau đó nhỏ vài giọt dung dịch thử phản ứng hoá học. Chưa đầy một phút, ống nước đang trong vắt lập tức chuyển sang vẩn đục.

TS Trần Văn Nhị thử mẫu nước ở Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội
 (hai mẫu thử này nhiễm amoni và nitrit).


Trước kết quả này, tiến sĩ Nhị khẳng định: “Nguồn nước ở đây bị nhiễm amoni (chất được phân huỷ từ các loại chất thải) rất nghiêm trọng. Thông thường, nếu nước bị nhiễm với tỉ lệ thấp thì vài phút sau mới xảy ra phản ứng hoá học. Test thử này gần như lập tức xảy ra phản ứng hoá học vì tỉ lệ nhiễm amoni quá cao”.  

Khi Amoni, Asen hoá “tử thần”   

Chất amoni có trong nước sẽ cực kỳ nguy hiểm, vì khi gặp không khí sẽ chuyển hoá thành chất có khả năng gây bệnh ung thư. “Thậm chí, khi ăn vào cơ thể, amoni sẽ kết hợp với chất có trong dạ dày tạo thành chất mới gây nguy cơ ung thư rất cao”, TS Nhị cho biết.
 
Nhiều người quan niệm rằng, khi đun sôi sẽ tiêu diệt được hết các chất độc trong nước. Tuy nhiên, TS Nhị khuyến cáo: việc đun sôi không những không làm giảm lượng độc tố mà trái lại, dưới tác động của nhiệt độ, những độc tố trên còn chuyển sang một dạng mới nguy hiểm hơn nhiều.

Sau đó, ông Nhị tiếp tục đến một số hộ gia đình khác ở tổ 4, tổ 5... trên địa bàn phường Định Công, các mẫu nước khi lấy làm các test thử đều đã được lọc qua bể cát, sỏi nên trong vắt. Nhưng tất cả các mẫu nước đó đều lập tức chuyển màu , lẩn vẩn đục sau khi được nhỏ vài giọt dung dịch hoá học. Hiện hơn 3 vạn dân phường Định Công đang phải dùng nguồn nước như thế này.  

Tại gia đình ông Nguyễn Văn Chung ở Đại Mỗ (huyện Từ Liêm) có hẳn một bể lớn chứa tới 3 khối cát vàng, 2 xe cải tiến sỏi để lọc nước giếng khoan. Trước khi được bơm vào bể cát, nước từ giếng khoan được bơm lên một bể chứa khác, để chừng 1 ngày cho lắng hết bùn đất. Qua hai lần xử lý nên bể chứa nước sạch  phía dưới trong vắt, không một chút vẩn hay màu lạ.

TS. Trần Văn Nhị lấy mẫu nước đã qua lọc này cho vào hai lọ khác nhau. Lọ nước thứ nhất, sau khi nhỏ vài giọt hoá chất để thử phản ứng phát hiện amoni thì 50 giây sau, lọ nước đang trong vắt lập tức chuyển sang vẩn  đục. Lọ nước thứ hai được nhỏ vài giọt hoá chất để thử phản ứng xem có nitrit hay không (chất có khả năng gây ung thư và bệnh hô hấp ở trẻ em). Phản ứng của lọ nước thứ hai này chậm hơn lọ nước thứ nhất chừng một phút, sau đó nước đang trong cũng chuyển sang mầu tím sẫm.

TS. Trần Văn Nhị khẳng định: “Nguồn nước ở đây bị nhiễm amoni rất nặng, thậm chí đã chuyển hoá thành nitrit độc hại. Lọ mầu vẩn đục là biểu hiện nước bị nhiễm amoni, lọ nước mầu tím biểu hiện nước nhiễm nitrit với tỉ lệ quá cao. Nếu tỉ lệ nhiễm thấp thì lọ nước chỉ có mầu hồng nhạt chứ không sẫm như thế này”.  

 Sau đó, TS Trần Văn Nhị và nhóm cộng sự của ông tiếp tục lấy mẫu nước tại khu vực Nhổn, Tây Mỗ (huyện Từ Liêm); khu vực dân cư trên đường 6 Hà Đông; khu vực Ba La - Bông Đỏ và một số gia đình tại xã Minh Khai dọc sông Đáy (Hà Đông)... Các test thử ở một loạt khu vực dân cư trên đều cho kết quả tương tự.   


 
Theo quyết định số 63/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Định hướng phát triển cấp nước đô thị quốc gia thì đến năm 2020, phấn đấu 100% dân số đô thị được cấp nước sạch với tiêu chuẩn 120 - 150 lít/người/ngày.  
 
Đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, phấn đấu đạt 180 - 200 lít/người/ngày.     
 Theo tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam, giới hạn hàm lượng amoni phải dưới 1,5mg/lít. Tuy nhiên, tại các vùng dân cư mà tiến sĩ Nhị tiến hành các test thử nghiệm, hàm lượng amoni đều vượt ngưỡng cho phép gấp nhiều lần. Nước nhiễm amoni còn đặc biệt nguy hiểm cho người sử dụng vì khi nước đã nhiễm chất này, chúng có thể chuyển hoá thành nitrit bất kỳ lúc nào. Và nước đã nhiễm nitrit thì cũng có thể chuyển hoá trở lại thành nước nhiễm amoni. Do đó, không thể biết thời điểm các chất chuyển hoá để phòng tránh.

 Theo lời khuyên của ông Nhị, những người dân ở đây tuyệt đối không nên dùng nguồn nước giếng khoan để ăn uống. Được biết, “ông già ôzôn” Nguyễn Văn Khải trước đó cũng từng nhiều lần tiến hành làm xét nghiệm mẫu nước giếng khoan ở khu dân cư phường Định Công và đều cho kết quả nguồn nước bị nhiễm sắt, nhiễm amoni, thạch tín... nghiêm trọng. 

“Không chỉ vậy, nguồn nước sinh hoạt, ăn uống ở tất cả các vùng dân cư trên đều bị nhiễm độc asen (thạch tín)”, tiến sĩ Nhị cho biết. Tiêu chuẩn cho phép đối với chất này chỉ là 10 microgam/lít, nhưng thực tế kết quả thử nghiệm đều trên 40 microgam/lít.
  Có nơi, hàm lượng nhiễm asen lên tới 75 microgam/lít. Việc tiếp xúc lâu dài với asen rất dễ gây ung thư da, ung thư phổi, bàng quang... Thậm chí làm rối loạn gene và sinh tổng hợp ADN. Người uống nước nhiễm asen lâu ngày còn có các triệu chứng xuất hiện các đốm màu sẫm trên cơ thể, đôi khi gây niêm mạc trên lưỡi hoặc sừng hoá trên bàn tay, bàn chân.

Theo Lã Xưa (Gia đình & Xã hội)
 
Tin tức cùng loại
Nước nhiễm kim loại nặng  và hậu quả với sức khỏe con ngườiNước nhiễm kim loại nặng và hậu quả với sức khỏe con người
Nước giếng khoan ở Hà Nội: Những mẫu thử kinh hoàngNước giếng khoan ở Hà Nội: Những mẫu thử kinh hoàng
2 vạn người Việt chết vì nước bẩn mỗi năm2 vạn người Việt chết vì nước bẩn mỗi năm
Điều kỳ diệu của máy lọc VONGAĐiều kỳ diệu của máy lọc VONGA